Bệnh Sởi là gì?
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa đông xuân, có thể xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đầy đủ.
Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy.... có thể gây tử vong.
Bác sĩ khám sàng lọc trước khi tiêm chủng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Bệnh sởi dễ lây truyền như thế nào?
Vi rút sởi dễ lây truyền đến mức 90% những người chưa có miễn dịch tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh sẽ bị nhiễm vi rút và tiến triển thành bệnh.
Bệnh sởi thường lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp và qua không khí. Vi rút sởi xâm nhập qua đường hô hấp và sau đó lan khắp cơ thể.
Vi rút sởi có thể tồn tại tới 2 giờ trên các bề mặt hoặc trong không khí. Nếu người khác hít phải không khí bị ô nhiễm hoặc tiếp xúc vào bề mặt bị nhiễm vi rút và sau đó tiếp xúc vào mắt, mũi hoặc miệng thì họ có thể bị nhiễm vi rút. Một người bị nhiễm vi rút có thể lây truyền vi rút ngay cả trước khi xuất hiện các triệu chứng điển hình (ví dụ: phát ban).
Biến chứng của bệnh Sởi như thế nào?
Bệnh sởi nặng hoặc các biến chứng của sởi có thể gây ra do vi rút sởi, do bội nhiễm sau sởi thường xảy ra ở: trẻ suy dinh dưỡng, đặc biệt trẻ thiếu vitamin A, trẻ bị suy giảm miễn dịch do HIV hoặc các bệnh khác, phụ nữ có thai. Hầu hết trẻ bị sởi tử vong do các biến chứng.
- Do vi rút sởi: viêm phổi kẽ thâm nhiễm tế bào khổng lồ, viêm thanh khí phế quản, viêm cơ tim, viêm não, màng não cấp tính.
- Do bội nhiễm: Viêm phổi, viêm tai giữa, viêm dạ dày ruột...
- Do điều kiện dinh dưỡng và chăm sóc kém: viêm loét hoại tử hàm mặt (cam tẩu mã), viêm loét giác mạc gây mù lòa, suy dinh dưỡng...
Các biến chứng khác: Lao tiến triển; Tiêu chảy; Phụ nữ mang thai: bị sởi có thể bị sảy thai, thai chết lưu, đẻ non hoặc trẻ bị nhẹ cân, hoặc thai nhiễm sởi tiên phát.
Bệnh sởi được điều trị thế nào?
Không có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh sởi. Uống đủ nước và điều trị chống mất nước có thể thay thế lượng dịch bị mất do tiêu chảy hoặc nôn mửa. Chế độ ăn uống lành mạnh cũng rất quan trọng.
Các bác sĩ có thể sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị viêm phổi, nhiễm trùng tai và mắt thứ phát do vi khuẩn. Tiêm vắc-xin hoặc globulin miễn dịch trong giai đoạn đầu sau khi nhiễm vi rút đôi khi có thể ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng. Tất cả trẻ em và người lớn mắc bệnh sởi cần được bổ sung 2 liều vitamin A cách nhau 24 giờ. Cách này giúp phục hồi mức vitamin A thấp xảy ra ngay cả ở trẻ em có dinh dưỡng tốt. Nó có thể giúp ngăn ngừa tổn thương mắt và mù lòa. Bổ sung vitamin A cũng có thể làm giảm số ca tử vong do bệnh sởi.
Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh Sởi hiệu quả nhất
Cách phòng bệnh sởi hiệu quả?
Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi.
Không có vắc xin nào có hiệu qủa bảo vệ 100%. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc xin sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%.
Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng thì có miễn dịch có thể bền vững suốt đời.
Các bà mẹ phải thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của cán bộ y tế khi đưa trẻ đi tiêm chủng.
Khi trẻ mắc bệnh:
Trẻ cần tăng cường dinh dưỡng đầy đủ để phòng suy dinh dưỡng; tăng cường vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân cho trẻ tránh mắc bệnh cơ hội. Trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi phải được cách ly, nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người để tránh lây lan trong cộng đồng. Cha mẹ và người chăm sóc nên chú ý đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ có sốt phát ban và kèm theo ho.
Nguồn: Quyết định Số: 1327/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi; https://vncdc.gov.vn/can-biet-ve-benh-soi-va-cach-phong-benh-nd13434.html; https://www.who.int/vietnam/vi/news/questions-and-answers/q-a-detail/what-you-need-to-know-about-measles;